Thực tập sinh

Hanoi, 2022/2/7

Trước khi viết những thứ liên quan, mình muốn than vãn mỏng 1 tí thôi, là, ôi thôi chết mất thôi, deadline đến nơi rồi nhưng mà não mình vẫn nhất định không chịu chạy. huhu

Ở Nhật, thực tập sinh là danh từ chỉ những người lao động nước ngoài làm việc tại Nhật thường là 3 hoặc 5 năm. Ngày xưa, chính phủ 2 nước gọi là lao động xuất khẩu, nhưng sau đấy đổi tên thành thực tập sinh, với mục đích là gửi người từ nước đang phát triển sang để làm việc, học hỏi kinh nghiệm tại Nhật, sau đấy về áp dụng tại Việt Nam. Mục đích trên giấy tờ thì bao giờ cũng long lanh như vậy, nhưng khi sang lao động nơi xứ người, số phận con người vừa là do nỗ lực, vừa phụ thuộc nhiều vào vận may.

Từ năm nhất cao học, mình bắt đầu có nhiều dịp hơn được tiếp xúc với thực tập sinh người Việt qua nhiều lần đi phiên dịch, hoặc giới thiệu việc làm thêm miễn phí cho du học sinh. Theo luật, khi làm việc ở Nhật theo visa thực tập sinh, họ sẽ không được phép làm thêm bất kỳ một công việc nào khác bên ngoài, nhưng có nhiều người có thu nhập bấp bênh do bị nhà máy cắt việc, hoặc là nhu cầu muốn tăng thu nhập để trả nợ cho gia đình, nhiều người vẫn lén tìm việc làm thêm bên ngoài. Mình nhiều lần nhận được liên lạc từ họ, nhưng tất nhiên, ngoài những giúp đỡ trong khả năng khác, mình không tìm việc cho họ được.

Mỗi lần nhớ đến Nhật, mình có một phần kỳ ức dành riêng cho những người thực tập sinh người Việt Nam. Không tránh khỏi có người này người kia, người phạm pháp, người nghiêm túc nỗ lực; người may mắn ổn định được cuộc sống, người bất hạnh làm bao nhiêu năm vẫn không trả được nợ; người kết thúc thời gian lao động được trở về đoàn tụ với gia đình, người bị tai nạn rồi bỏ mạng nơi xứ người;....Những con người đã cho mình nhiều cảm xúc đan xen, cả cáu bẳn, ghét bỏ, cả ấm áp, cả biết ơn!

Hồi học ở Nhật, để có tiền trang trải chi phí, mình làm nhiều việc làm thêm một lúc nên hầu như không có ngày nghỉ. Nhưng cho dù bận, mình thường cố gắng sắp xếp nếu có lịch đi phiên dịch ở bệnh viện cho thực tập sinh. Bởi vì, chỉ là mình nghĩ, khi đau ốm con người thường dễ cảm thấy cô đơn hơn.

Có lần, mình nhận phiên dịch ở viện cho một anh ngã giàn giáo. Chân phải của anh bị nẹp vài cái đinh, bác sĩ bảo sẽ tốn ít nhất 3 tháng thì chân anh mới đi lại bình thường được. Anh hơn mình cỡ 6, 7 tuổi, nhưng gọi mình là chị. Vì lý do công việc, mình xưng hô ngang hàng. Hôm mình đến, anh vẫn cười tươi và động viên ngược lại mình là mọi chuyện sẽ ổn thôi. Mình chỉ biết cười và an ủi anh cố gắng. Hôm sau, anh nhắn tin cảm ơn mình, hỏi mình một vài điều và dặn mình hứa không được kể cho nghiệp đoàn (người Nhật). Lúc đấy, mình thấy đồng cảm với những con người một mình sống nơi đất khách. Cho dù xã hội phát triển, con người văn minh hơn, nhưng những bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa, và những rào cản khó có thể xóa bỏ là tâm lý người ngoài, đâu đấy vẫn luôn len lỏi, làm họ luôn sống trong bất an, sợ hãi. 

Nhiều lần mình nhận được lịch đi đón thực tập sinh mới sang từ sân bay. Những chuyến đi dài từ 4 giờ sáng đến chiều muộn. Không hiểu sao gặp những người mới luôn khiến mình có nhiều cảm xúc hỗn độn. Vì mình nhìn thấy mình ở trong họ. Là những đoàn tàu điện hiện đại, những tòa nhà nguy nga có thể làm họ hào hứng; là những niềm tin về tương lai tốt đẹp đang trong thời điểm còn cao trào,... Rồi mình tự hỏi, không biết sau vài tháng, vài năm cuộc sống của họ sẽ như thế nào? Suy nghĩ của họ có thay đổi không? Nhà máy có đãi ngộ tốt với họ không? Có bị bóc lột, chèn ép không? Rồi sức khỏe của họ có ổn không? Có trốn ra ngoài bất hợp pháp không? Có về nước bình an không?...

Có lần đón một anh người Bến Tre đến nhà máy, nơi anh sẽ làm việc. Người ta sắp xếp cho anh ở một căn nhà, gần xưởng cưa gỗ. Căn nhà sập sệ và bụi mù mịt. Khi đến phòng, anh vội vội vàng vàng mở hành lý để lấy cho mình một gói kẹo dừa. Vì lý do công việc, mình không tiện nhận. Nhưng nụ cười chân chất, hiền lành của anh lúc đấy vẫn còn mãi trong đầu mình. Mình chỉ biết chúc anh, mọi sự bình an!

Đợt dịch corona, hồi mình còn làm dự án hỗ trợ người Việt tại Nhật, nửa đêm mình nhận được tin nhắn của một em thực tập sinh trốn ra ngoài bất hợp pháp kêu cứu vì nghi là dương tính. Hồi đấy, Nhật đang cao điểm dịch đợt đầu tiên, hệ thống y tế vỡ trận nên nhiều người rất hoảng loạn. Tin nhắn của em đầy nỗi sợ hãi, vừa là sợ cái chết đến, vừa là nỗi sợ không có ai giúp đỡ. Những người như em, khi đã trốn ra ngoài bất hợp pháp, thì làm gì pháp luật còn bảo vệ được em đâu.

Mình nhớ mãi chị A, người cùng quê với mình. Mình đón chị ở sân bay, rồi dẫn đi làm giấy tờ từ những ngày đầu tiên chị đặt chân đến Nhật. Rồi nhiều lần phiên dịch cho nhóm của chị trong quá trình làm việc ở nhà máy bánh mỳ. Chứng kiến cả một khoảng thời gian gần 2 năm chị sống ở Nhật, cho đến lúc chị phải về giữa chừng vì bị đau tay không làm việc tiếp được nữa. Hồi đấy, đưa chị đi viện khám, bác sĩ chẩn đoán bị viêm xương. Giây phút chờ kết quả chụp MRI ở viện, hai chị em im lặng không nói với nhau một lời nào. Lúc đấy, khi chị vẫn còn bình tĩnh, mình đã suýt khóc.
Vì mình sợ, chị bị làm sao, rồi không qua khỏi, như nhiều những thực tập sinh khác. Những câu chuyện đau lòng, mà mình đã từng chứng kiến.


Có nhiều những con người nữa vẫn còn trong ký ức của mình, và khi nghĩ về họ, mình cảm thấy biết ơn. 

Biết ơn vì họ đã xuất hiện trong cuộc đời mình, dạy mình trân trọng hơn những tình cảm giản dị, những hành động nhỏ bé nhưng chạm được đến trái tim. 
Biết ơn vì họ đã dạy mình bài học về chân thành, và nỗ lực.
Biết ơn vì họ đã dạy mình trân trọng hơn những gì mình đang có, vì mình may mắn hơn rất nhiều người.
Và biết ơn vì, họ, và cả mình nữa, đã bình an!...

Nhận xét